Qatar tiêu tốn tới 200 tỷ bảng cho World Cup lần này.
World Cup 2006 của Đức tiêu tốn 4,3 tỷ bảng trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản chi 7 tỷ bảng để đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. World Cup 1998 tại Pháp diễn ra với chi phí 2,3 tỷ bảng, còn Mỹ chỉ chi 460 nghìn bảng cho giải đấu năm 1994.
Tuy nhiên, việc chi tiêu mạnh tay như vậy không đồng nghĩa chủ nhà World Cup 2022 đang làm tốt công tác chuẩn bị cho giải đấu. Người hâm mộ tuyển Anh liên tục phàn nàn về việc thiếu chỗ ở và lời phàn nàn này không phải là không có lý do.
Tính đến tháng 3 năm nay, theo tính toán chỉ có khoảng 30.000 phòng khách sạn sẵn sàng đi vào hoạt động ở Qatar, mặc dù hơn một triệu người hâm mộ dự kiến sẽ lưu trú đến đây trong thời gian diễn ra giải đấu.
Đáng thất vọng hơn khi biết rằng, 80% trong số các phòng này đã được FIFA đặt trước cho các đội bóng, nhà tài trợ và đối tác của riêng họ.
Qatar cho xây dựng 7 SVĐ hoàn toàn mới, hiện đại cho giải đấu, đồng thời nâng cấp Sân vận động quốc gia Khalifa. Tuy nhiên, người hâm mộ khi đặt chân đến đây có thể không dành trọn 24 giờ ở Qatar.
Theo The Guardian, các nước láng giềng như Arab Saudi, UAE, Oman và Kuwait đang kỳ vọng người hâm mộ sẽ ghé thăm quốc gia của họ để tìm được chỗ ở với giá cả phải chăng hơn. Mức phí đắt đỏ ở Qatar rõ ràng không phải là tin tốt với các khán giả tới cổ vũ đội nhà thi đấu.
Trận chung kết năm nay sẽ diễn ra ở Lusail, một ngôi làng cách Doha khoảng hơn 15km về phía bắc. Qatar đã chi một khoản lớn để xây dựng Lusail thành một thành phố bao gồm 19 quận, nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dù World Cup sắp diễn ra.
Ngay từ đầu, việc FIFA chọn Qatar làm quốc gia đăng cai đã vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Và giờ khi World Cup chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, mọi công tác tổ chức vẫn chưa hoàn thiện.